Categories
Tự

Tự (3). “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua..”

Thời còn là học sinh, chúng ta ai cũng đã học qua bài Vội vàng của thi sĩ tài hoa Xuân Diệu, và tùy mỗi bạn, từ bạn học nhồi nhét để thi học kỳ cho qua môn Ngữ Văn đến bạn có năng khiếu, yêu môn này bằng trái tim, đều có những cảm xúc riêng về toàn bài với những câu những đoạn đã thấm vào đầu óc. Ai chẳng nhớ lại cô giáo hay dạy nhiều nhất ở câu cuối:

“…- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

Người viết vốn không giỏi Văn và thi khối A A1, tuy nhiên cũng đã thấm được vài câu tự thân thấy hay, rất khó quên:

“…Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa: 
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già…”

Ý nghĩa của những câu này là mới, vì trước giờ chưa ai nói tới, mà lại cũ, vì xét kỹ ra đó là một quy luật kinh điển, chỉ cảm được mà không nói được.
Sau này ra trường, người viết tình cờ gặp được một bài thơ, câu chữ không quá gọi là “bướm lượn chim bay”, “hoa hòe hoa hoét” để một người không cần siêu Văn cũng có thể tiếp thu. Ý nghĩa của nó cũng nhuốm màu vô cùng tận như mấy câu trên. Nghĩ rộng ra về bài này chúng ta sẽ thấy một thế giới trải dài rất rộng lớn chứ không đơn thuần chỉ nằm ở mặt chữ là về tình yêu đôi lứa.

Dưới đây là tác phẩm của Hồ Dzếnh(1916-1991):

Ngập ngừng

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! 
Ðể lòng buồn tôi dạo khắp trong sân 
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần,
Tôi nói khẽ: “Gớm, làm sao nhớ thế!”

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! 
Em tôi ơi! tình có nghĩa gì đâu…
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu.
Thuở ân ái mong manh như nắng lụa 
Hoa bướm ngập ngừng, cỏ cây lần lữa 

Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi 
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi…

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! 
Tôi sẽ trách – cố nhiên! – nhưng rất nhẹ.
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về! 
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề, 
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở… 
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ…

Tuy vậy, hai bài cũng khác nhau đấy chứ! Khi tư tưởng về điều mình yêu thích, Xuân Diệu thì Vội vàng còn Hồ Dzếnh lại…Ngập ngừng! Cách nào đúng đây?

Mong được chia sẻ với mọi người.

 

Categories
Tự

Tự (2). Chuyện danh nhân: Cụ Phan Thanh Giản đi thăm bạn cũ

Người ta có cao có thấp, có trên có dưới là điều ai cũng nhìn thấy. Trong đó, việc người trên đối với kẻ dưới thì cần cẩn trọng hơn. Thường thì người trên thất lễ, làm tổn thương kẻ dưới cũng là dễ hiểu, vì họ có nhiều của cải hơn, trí tuệ hơn, địa vị hơn,… (nên gọi là “người trên”), trong họ hay tự cho mình quyền phán xét, áp đặt hay bắt nạt kẻ dưới.

Khi ở thế thấp hơn, kẻ dưới thường sinh tâm cảm tự ti, tự ái, dễ bị phẫn khích bởi những hành động không tốt của người trên. Việc này chúng ta đều thấy được, chắc hẳn mỗi người đều từng hơn một lần đối diện với người cao hơn mình hoặc ngang mình trở lên (rõ ràng là vậy hoặc theo đánh giá bề ngoài), thử nhớ lại xem chúng ta có sợ hãi họ không? Hay là, chúng ta gắng tỏ ra bề ngoài mạnh mẽ, ngạo khí, tự tin vì không muốn ở thế dưới? (Và khi vỡ ra là họ thấp hơn, chúng ta thấy thế nào?)

Trong tình bạn bè hay giao tế, càng nên cẩn trọng hơn khi mình là người trên, cần biết tự chủ, chớ lồ lộ ra cái khác biệt trên dưới (những kẻ thích dùng quyền lực hay làm vậy), tiết chế lại bản thân, nếu không kiểu gì kết quả cũng không đẹp. Cha mẹ dạy con thế nào, lãnh đạo đối xử nhân viên thế nào, những siêu sao giao tiếp với người hâm mộ thế nào, ra sao, luôn là vấn đề phức tạp hơn, luôn phải bàn đầu tiên.

Điển cố điển tích: Cụ Phan Thanh Giản thăm bạn.

–Phan Thanh Giản là một vị danh sĩ, đại thần triều Nguyễn thế kỷ 19, ngoài ra cụ còn là một nhà trí thức, nhà thơ, nhà sử học lớn trong lịch sử dân tộc, đã để lại nhiều tác phẩm sử học, văn thơ có giá trị. Mọi tầng lớp đều khâm phục kính trọng cụ vì sự cương trực, thanh liêm, yêu thương dân. Trong thời kỳ biến loạn, nhiều người buộc tội cụ khi làm Chánh sứ toàn quyền đã làm mất nhiều tỉnh Nam Kỳ vào tay ngoại quốc, là phản bội đất nước.

Tuy nhiên, nhân dân Miền Tây hiểu lòng cụ, triều đình mới là chủ trương “cầu hòa”, còn cụ thì không thể làm trái ý vua, ngay sau khi cụ tuẫn tiết, nhân dân Vĩnh Long đã đưa linh vị của cụ vào thờ ở Văn Thánh Miếu. Nhiều danh nhân đương thời như Nguyễn Thông, Nguyễn Đình Chiểu cũng thông cảm, bênh vực và ca ngợi cụ, nhưng cụ vẫn mang tiếng bán nước, nhiều trường học, con đường mang tên Phan Thanh Giản đều bị gỡ cả và đổi tên khác.

Mãi đến năm 2008, qua quá trình sử Việt được nghiên cứu chính xác, công minh, cụ mới được “rửa oan”. Những di tích gắn liền với tên cụ ngày xưa đều được khôi phục, tôn tạo lại, là một niềm vui đối với nhân dân Nam Bộ và cả Việt Nam nói chung. Cụ đã để lại cho đời sau chút gì khó quên, khó xóa nhòa, gọi là tâm linh, phóng khoáng, thơ mộng.

—Ấy là tóm tắt về cụ Phan Thanh Giản về tầm “vĩ mô”, còn về “vi mô”, có một câu chuyện thế này:

Thời trẻ, còn đi học trong cảnh nghèo khó, cụ có một người bạn thân, người đó học rất giỏi, nhưng khi học xong lại không đi thi, mà về quê làm ruộng lấy kế sinh nhai, còn cụ Phan, thì làm quan lớn.

Một ngày cụ có việc công ở đất Nam Kỳ, có dịp, cụ sắp xếp để về thăm lại bạn xưa. Một quan lớn như cụ đương nhiên là quân lính hầu cận tiền hô hậu ủng. Nhưng khi đi tìm thăm bạn, cụ có nhã ý, không muốn mang cái “to lớn” của mình theo, liền cho quân lính dừng lại cách xa nhà bạn tận mấy dặm, rồi mặc áo thâm, bịt khăn đóng, đi một mình đến căn nhà lá lụp xụp. Thấy bạn không có nhà, cụ nằm võng chờ. Ông bạn đi làm đến tối mới về, bất ngờ lắm, liền lật đật dọn cơm, ngoài cơm ra chỉ có ít rau luộc và mắm kho. Vậy mà hai người họ vui vẻ, mừng rỡ, ăn uống trò chuyện với nhau thân thiết y như hồi còn áo vải đi học.

Đúng là tuy làm quan to nhưng cụ tự xem mình như người dân thường ở nông thôn, đối xử như người bình dân, không bao giờ phô trương quyền lực. Nhẹ nhàng, trí tuệ mà nhân hậu vô cùng.

(st)

 

Categories
Tự

Tự (1). Tản chuyện: Cách đọc sách

Tự (1). Tản chuyện:

CÁCH ĐỌC SÁCH 

Xưa có một nhà vua rất chú trọng đến việc học hành trong nước, bản thân ông cũng là một người tự học. Hằng ngày không sai chạy, ông thường dành một khoảng thời gian ra vườn sau đọc sách.

Có anh thợ làm nghề đẽo bánh xe, nghe tiếng nhà vua đọc sách, một hôm liền xin được hầu chuyện.

Anh ta thưa: – Dạ xin dám hỏi nhà vua đọc gì mà say sưa thế ạ ?

Nhà vua trả lời rằng: – Ta đọc sách của những người đạo đức cao nhất, trí tuệ cao nhất đấy !

– Hỏi là những người đó giờ đâu rồi ạ ?

– Họ chết cả rồi !

– Vậy thì những điều nhà vua đọc đấy chỉ là một mớ cặn bã của họ thôi !

Nghe thế, nhà vua giận dữ quát:

– A anh thợ, anh dám nghị luận việc của ta, ta bắt tội !

Anh thợ thưa rằng:

– Xin ngài để con giải thích ! Xin cứ lấy việc đẽo bánh xe của con mà xét, đẽo nhỏ thì mộng cho vào dễ nhưng lỏng, đẽo to thì khó cho vào được, nhưng con đẽo bánh xe đã thành nghề, giờ đây làm sao mà đẽo cho trục, khung, các mối cho khớp nhau chằn chặt thì tự tâm nảy ra mà đến tay thì làm chứ không thể nói ra bằng lời được. Cái tinh hoa đó, con không thể truyền cho con con, cháu con, cho nên đến tuổi này con vẫn làm nghề đẽo bánh xe.

Những bậc mà nhà vua nhắc đó ! Tinh hoa, cái hay của họ cũng không thể truyền lại được và cũng chết cùng họ rồi ! Cho nên những gì viết trong sách chỉ là cặn bã của họ thôi !

Nhà vua nghe vậy, bảo anh thợ lui.

(st)

Categories
Tự

Tự (0)- Vài lời giới thiệu và cảm ơn.

Trước đây một hai tuần, nghe hai người bạn là Cường và Sơn có nói về một trang web do họ đồng sáng lập, người viết đã xin một “chân” để tham gia viết bài đăng bài và rất vui mừng khi được chấp nhận. Giờ đây đã có một tài khoản riêng. Nhưng vì bận làm đồ án, giờ mới lên được.

Cường viết bài chia sẻ những kĩ thuật, hướng dẫn về lĩnh vực Công nghệ thông tin, Sơn viết những bài ý nghĩa về đời sống, về tinh thần nội tâm con người hay các vấn đề thực trạng xã hội. Người viết khi xin vào đã định sẵn, và hai bạn cũng có ý như thế, sẽ viết về những bài mang tính chất về rèn luyện bản thân ở hai phương diện là thể chất và tinh thần, thực ra nó là một, vì từ nhỏ trí tuệ và sức khỏe thấp hơn nhiều bạn bè đồng lứa kể cả dưới lứa, qua quá trình tự rèn luyện cũng có một ít “vốn” gọi là có, tạm đủ dùng trong hiện tại, nên cũng muốn chia sẻ một ít và mong sẽ nhận lại được những chia sẻ phản hồi từ mọi người.

Từ giờ sẽ có thêm một mục “Tự” đăng những bài như thế. “Tự” ở đây là “tự giác”,” tự chủ”, “tự học”, “tự lực”,… cũng nằm trong “tự mãn”,”tự kiêu”,”tự tư tự lợi”,”tự kỷ”,… là “bản thân”. Phải lo cho bên trong trước rồi lo cho bên ngoài sau, lưu ý đó khác với sự ích kỷ tự lợi. Một bên là gắng làm mình cho mình hay rồi mang cái hay cho đi, một bên là chỉ muốn mình hay; sự bình tĩnh sẽ giúp ta nhận ra chỗ khác biệt. Thực ra vấn đề chưa dừng lại, mở rộng ra có thể chạm tới những học thuyết có tính triết học sâu sắc, những “vị kỷ”,”vô vi”,…đã không còn có thể giải theo nghĩa thông thường nữa rồi, nhưng người viết sẽ không dám viết bậy.

Mục “Tự” ban đầu được hướng tạo ra một khoảng riêng, nhưng nghĩ lại viết trong mục “Arts” cũng không sao. Và trong “Tự”  sẽ có những mục nhỏ hơn như “Tản chuyện”,”Danh nhân”,”Ảnh đẹp”,..thỉnh thoảng có chút “Giải trí” để thư giãn,… sẽ được nói rõ sau. Nói tóm, là chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ, cùng nhau rèn luyện bản thân cho đầy đủ nơi trong thôi, những điều căn bản mà ai cũng nên và phải có, giống như ai cũng cần có kiến thức đọc chữ, làm toán vậy, khi đã đầy đủ, hướng ra ngoài thế nào là tùy mỗi người mỗi đường đi, tạm thời chưa bàn đến; xây nhà thì từ móng.

Các bài viết hướng đến việc ngắn gọn, súc tích, thường chỉ kể, không hay ít bàn luận. Cách viết, lối viết không dám gọi là có tổ chức, có quy trình, có gì sai sót chúng ta cùng chia sẻ. Cuối cùng là lời cảm ơn tới hai bạn Sơn Cường đã tặng một ít gọi là đất diễn.

 

Hồng Lương.